Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

LỜI BÌNH BÀI THƠ " QUÊ NỘI"





ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “ QUÊ NỘI”
                        
Ở trang 88, tập thơ “Lạc sinh”của tác giả Lê Quốc Thọ( Nhà xuất bản Văn học-ấn hành năm2016),có bài thơ “ Quê nội”, bài thơ của cháu Lê Quốc Dũng:

“Đêm qua nghe mẹ kể
Quê nội con rất xa
Nơi ấy có ông bà
Đông anh em, cô bác…

Làng ven con sông bạc
Chảy bên đồng lúa vàng
Đàn cò trắng bay ngang
Cánh mởi không nơi đậu

Con đã hết lớp Một
Sang năm lên lớp Hai
Con cố gắng chăm học
Dành nhiều điểm chín, mười

Hè sau mùa phượng nở
Con về quê nội chơi..."

Bài thơ gồm 14 câu, 4 khổ thơ, theo thể thơ năm chữ. Tôi đọc đi đọc đến mấy lần…
   Mở đầu bài thơ,mở đầu cuộc trò chuyện của mẹ với bé:
                         “ Đêm qua nghe mẹ kể:
                           Quê nội con rất xa
                           Nơi ấy có ông bà
                          Đông anh em, cô, bác…”
 Đọc qua, ta  cảm nhận hình dung được tình cảm ấm áp mẹ dành cho bé qua giọng kể nhỏ nhẹ. Mẹ kể điều gì? Mẹ kể quê nội, tức là quê của bố, người đứng vị trí cao nhất trong tình cảm con người dành cho con người.(Đó là tình cảm cha mẹ dành cho con cái). “ Quê nội con rất xa”,  xa là xa về quãng đường đi về, nhưng lại rất gần và vô cùng quan trọng, vì ở đó có ông, bà nội, có đông anh, em, cô bác là những người cùng huyết thống, cùng một họ nội với bé. Mẹ của bé muốn bước đầu cho bé hiểu “ nước có nguồn, cây xanh nhờ gốc, người sinh do Tổ”, có mình đây là nhờ có ông bà nội, họ hàng anh em cô bác; ( còn ở đây thì có bố mẹ và anh chị em họ ngoại của con), để gieo vào lòng bé tình yêu quê nội.
     Ở bốn câu khổ thơ thứ hai:
                             “ Làng ven con sông bạc
                              Chảy bên đồng lúa vàng
                              Đàn cò trắng bay ngang
                              Cánh mỏi không nơi đậu”.
        Mẹ kể cho con nghe về cảnh giàu đẹp của quê nội. Bốn câu thơ đã chọn được những hình tượng màu sắc tiêu biểu nhất, đặc tả được sự giàu và đẹp
   Muốn nói cánh đồng quê nội rộng mênh mông bao la thì  lấy hình ảnh “ Đàn cò trắng bay ngang / Cánh mỏi không nơi đậu!”. Đó là cò chỉ mới bay ngang cánh đồng , cánh đã mỏi mà vẫn chưa đến bờ để có chỗ dừng chân nghỉ! Nếu đàn cò trắng bay dọc cánh đồng thì mỏi cánh nhất định phải đáp xuống đất mà đậu thôi! Chỉ với bốn câu thơ ngắn,  đã tả được cảnh giàu  ( đồng lúa vàng, rộng bao la bát ngát) và đẹp ( những hình ảnh:làng ven con sông bạc – đồng lúa vàng – đàn cò trắng).     Quê nội giàu và đẹp tạo nên trong lòng bé một tình yêu mến thân thiết.
    Hai khổ thơ đầu là lời mẹ kể cho con nghe về quê nội là một phần nguồn cội sinh thành ra con, quê nội giàu và đẹp.
    Cảm nhận được sự thiêng liêng, yêu quý, cần thiết người con phải gắn bó với quê nội bởi hai lý do mà hai khổ thơ trên đã nêu, bé đã nói lên nỗi lòng mình qua khổ thơ thứ  ba và thứ tư:
                           “ Con đã hết lớp Một
                             Sang năm lên lớp Hai
                            Con cố gắng chăm học
                            giành nhiều điểm 9, 10…

                             Hè sau mùa phượng nở
                             Con về quê nội chơi…”.
   Quê nội đã có sức thu hút bé về chơi. Nhưng bé không về trong dịp này được, vì bé mới học hết lớp Một, năm học mới về, đã đến lúc bé phải học lớp Hai. Hơn nữa, bé phải về quê nội, trong dịp nghỉ hè mùa sau khi là mùa hoa phượng nở, cảnh thật đẹp, với món quà  đặc biệt, đó là thành tích học tập đạt loại giỏi ( nhiều điểm 9, 10) để báo cáo với ông bà nội , anh em cô bác. Đây là món quà tự có của cháu, món quà có ý nghĩa hơn rất nhiều những món quà bố mẹ cho cháu tiền để mua như bánh kẹo hoa trái. Ở tuổi của bé, bé chỉ có những mơ ước, bé mơ ước món quà thành tích học giỏi của bé sẽ làm vui lòng ông bà nội, anh em cô bác… Mà chỉ có học giỏi, học nữa, học mãi thì lớn lên mới nên người tốt, báo hiếu được với ông bà cha mẹ và bề trên, mới thể hiện tình yêu quê nội, rồi rộng hơn là yêu tổ quốc và xác định cho mình làm gì để xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
  “ Quê nội”- bài thơ ngắn của một bé lên bảy, có thể nói vừa hay về nội dung vừa đẹp về nghệ thuật, giàu tính nhân văn, vừa với tâm sinh lý lứa tuổi của bé,chắc sẽ làm hài lòng nhiều bạn đọc trẻ cũng như người lớn.
    Liên tưởng rộng ra một chút: Trong đời thường hiện nay, có những trường hợp, người con trai ở quê nông thôn ra thành phố học tập, làm việc; gặp cô gái quê thành phố, rồi duyên ưa phận đẹp, kết nên vợ chồng, sinh ra con cái. Người mẹ chỉ biết có chồng con mà không màng gì đến quê nội, cứ mặc định quê nội là xa xôi, hẻo lánh, nghèo nàn, lạc hậu không đáng để mình và chồng con mình quan tâm. Thiết nghĩ, những người mẹ này nên đọc bài thơ “ Quê nội” để có được những nhận thức mới,  có được những hành động đúng đạo lý.

                                                       Fanlong
                        

1 nhận xét: